4 bệnh lý nguy hiểm về mắt trẻ em dễ mắc nếu tiếp xúc nhiều với Ipad

4 bệnh lý nguy hiểm về mắt trẻ em dễ mắc nếu tiếp xúc nhiều với Ipad

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ đã sử dụng Ipad và điện thoại thông minh như một trợ thủ đắc lực để “chăm con” như dụ con ăn, giữ con ngồi yên một chỗ để làm những việc khác... Thế nhưng những thiết bị công nghệ này lại là “con dao hai lưỡi”, ngoài những lợi bất cập hại về mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, thì lạm dụng Ipad còn dễ khiến trẻ dễ mắc 4 bệnh lý nguy hiểm về mắt sau.

1. 4 bệnh lý ở mắt trẻ em khi tiếp xúc nhiều với màn hình Ipad

1.1. Cận thị:

Cơ quan thị giác của trẻ em chưa hoàn thiện cả về cấu tạo lẫn sinh lý, bên cạnh đó việc chơi điện tử hoặc xem các chương trình trên Ipad đòi hỏi sự tập trung của mắt do hình ảnh liên tục chuyển động. Vì thế nếu trẻ tiếp xúc với Ipad nhiều hơn thời gian cho phép sẽ khiến mắt làm việc căng thẳng sinh ra cận thị. Bên cạnh đó trẻ em có xu hướng dí sát mắt vào màn hình Ipad nên cận thị càng tiến triển nhanh hơn.

Cận thị là tật khúc xạ trẻ rất dễ mắc nếu tiếp xúc lâu với các thiết bị điện tử

1.2. Bị bong võng mạc do phơi nhiễm ánh sáng xanh:

Phơi nhiễm ánh sáng xanh từ Ipad hay các thiết bị điện tử là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý về võng mạc ở trẻ em. Bước sóng ngắn và năng lượng cao của ánh sáng xanh có thể gây tổn thương vĩnh viễn tế bào thị giác, từ đó gây rối loạn điều tiết mắt, dẫn đến suy giảm thị lực và các tật khúc xạ.

Ngoài ra các mạch máu ở võng mạc còn dễ vỡ, tạo sẹo võng mạc và dẫn đến bong võng mạc. Bong võng mạc là nguyên nhân chính gây mất thị lực vĩnh viễn ở trẻ bị bệnh võng mạc.

1.3. Khô mắt:

Khi trẻ quá tập trung vào màn hình Ipad, trẻ sẽ không thể chớp mắt liên tục dẫn đến tình trạng khô mắt. Bên cạnh đó, khô mắt còn xảy ra khi nước mắt của trẻ tiết ra không đủ hoặc nước mắt không chứa đủ lượng dầu cần thiết. Khi mắt trẻ không đủ độ ẩm (bị khô) sẽ rất dễ bị tổn thương và nhiễm trùng.

1.4. Mỏi mắt:

Khi mắt hoạt động quá sức, tập trung với cường độ cao vào màn hình Ipad mà không được thư giãn, nghỉ ngơi sẽ gây ra hiện tượng mỏi mắt. Nếu biết cách cho đôi mắt nghỉ ngơi, thư giãn đúng cách thì mắt có thể khỏe lại nhanh chóng và không gây nguy hiểm. Nhưng nếu tình trạng mỏi mắt ở trẻ cứ kéo dài mãi mà không được can thiệp thì hậu quả để lại sẽ rất phức tạp.

Ngoài những lợi bất cập hại về sức khỏe cũng như mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, lạm dụng Ipad còn khiến trẻ dễ mắc nhiều bệnh về mắt

2. Những cách giúp bé yêu có đôi mắt khỏe mạnh

Để bảo vệ đôi mắt cho trẻ, cha mẹ lưu ý chỉ nên cho trẻ làm quen với các thiết bị công nghệ như Ipad, điện thoại thông minh khi đến tuổi đi học mẫu giáo và không nên sớm hơn. Đồng thời bố mẹ cần lưu ý:

- Hạn chế thời gian cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi xem Ipad không quá 1 giờ mỗi ngày.

- Đối với trẻ đi học, bố mẹ nên quan tâm đến thời lượng trẻ dùng điện thoại để nhắc nhở, can thiệp kịp thời, tránh trường hợp trẻ bỏ bê học hành hoặc thức khuya vì nghiện các thiết bị điện tử.

- Cho trẻ đi khám mắt định kỳ hàng năm (6 tháng/lần).

- Đảm bảo phòng của trẻ đủ ánh sáng khi học tập và vui chơi vì phần lớn các khó chịu về mắt ở trẻ là do ánh sáng không phù hợp hoặc không đủ.

- Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ để mắt được nghỉ ngơi với nguyên tắc 20-20-20, nghĩa là sau 20 phút tiếp xúc với màn hình điện tử hãy cho mắt nghỉ ngơi bằng cách hướng mắt nhìn vào một vật ở cách mắt tối thiểu 20 feet (khoảng 6 mét) trong 20 giây.

Các bậc phụ huynh nên cho trẻ kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm nhất các bất thường

3. Dấu hiệu nào cho thấy cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay?

Ngoài việc thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các bất thường thì bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám ngay nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu sau:

- Thường đọc sách, báo, xem tivi ở khoảng cách gần.

- Trẻ thường xuyên dụi mắt.

- Trẻ thường phải dùng ngón tay để hướng dẫn mắt khi đọc sách báo.

- Mắt trẻ nhạy cảm với ánh sáng và chảy nước mắt nhiều hơn bình thường.

- Trẻ thường nheo mắt hoặc nghiêng đầu để quan sát cho rõ hơn.

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN