Bệnh giác mạc hình chóp: Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh giác mạc hình chóp: Nguyên nhân và cách điều trị

Giác mạc hình chóp (Keratoconus) có tỷ lệ người mắc phải là 1/2000. Bệnh làm cho giác mạc phần phía dưới bị giãn phình ra và tiêu mỏng. Người bị giác mạc hình chóp thường có thị lực yếu, dễ bị nhầm với cận-loạn thị, nhược thị.

Giác mạc là bộ phận mỏng, trong suốt, nằm phía trước nhãn cầu. Bình thường, chúng ta có thể nhìn rõ là do giác mạc trong suốt và cong đều đặn từ trung tâm ra ngoại vi. Ở người có bệnh lý giác mạc hình chóp, phần trung tâm hoặc cạnh trung tâm phía dưới của giác mạc sẽ bị giãn phình ra và tiêu mỏng.

1. Nguyên nhân gây giác mạc hình chóp:

Nguyên nhân chính xác gây giác mạc hình chóp đến nay vẫn là một ẩn số, cần nhiều nghiên cứu từ các nhà khoa học. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân liên quan như:

  • Tuổi tác: Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi thanh thiếu niên và có tốc độ tiến triển rất khác nhau tùy theo từng người.
  • Tiền sử có một số bệnh: bệnh giác mạc hình chóp thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc dị ứng, hay day dụi mắt, sốt theo mùa, hen suyễn, eczema…

Người có cơ địa dị ứng dễ mắc các bệnh viêm kết mạc mùa xuân, viêm kết mạc dị ứng khiến ngứa mắt, bệnh nhân day dụi mắt nhiều và có thể gây tổn thương giác mạc, tạo cơ hội cho bệnh giác mạc hình chóp phát triển.

  • Di truyền: Một số người có khiếm khuyết di truyền làm cho các sợi collagen nhất định trong giác mạc trở nên suy yếu. Khi sợi collagen suy yếu, nó không còn giữ được giác mạc trong suốt, không duy trì được cấu trúc mái vòm và giác mạc bắt đầu phình ra phía trước.

Nhiều trường hợp người cùng họ hàng có chung bệnh giác mạc hình chóp nên càng củng cố cho nhận định: giác mạc hình chóp có yếu tố di truyền.

  • Sinh hoạt, môi trường: Tiếp xúc với tia cực tím quá nhiều, môi trường ô nhiễm khói bụi gây các bệnh dị ứng ở mắt là một trong những tác nhân gây giác mạc hình chóp.
  • Nội tiết tố: Do độ tuổi và thời điểm khởi phát của bệnh mà người ta cho rằng nội tiết tố có thể đóng vai trò lớn trong sự phát triển bệnh. Bệnh giác mạc hình chóp thường phát triển ở độ tuổi thanh thiếu niên (sau tuổi dậy thì). Bệnh cũng được ghi nhận có xuất hiện ở phụ nữ mang thai.

Hình ảnh giác mạc bình thường và giác mạc hình chóp

2. Dấu hiệu nhận biết giác mạc hình chóp

Các triệu chứng nhận biết giác mạc chóp có thể khác nhau ở mỗi mắt. Một số triệu chứng thường xảy ra trong giai đoạn sớm của giác mạc chóp gồm:

  • Đỏ hoặc sưng mắt.
  • Mắt cảm thấy ngứa.
  • Mờ mắt
  • Nhìn đôi.
  • Thấy quầng sáng xung quanh ánh đèn.
  • Tầm nhìn hơi méo (đường thẳng trông gợn sóng)
  • Nhạy cảm với ánh sáng

Khi tình trạng giác mạc chóp trở nặng, người bệnh có thể nhận ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn như hình ảnh trở nên mờ, méo mó hơn,…

3. Chẩn đoán giác mạc chóp

Chẩn đoán bệnh giác mạc hình chóp cần sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa mắt. Một số yếu tố để chẩn đoán là:

  • Bệnh nhân bị loạn thị, giác mạc có hình dạng thuôn dài giống quả bóng bầu dục thay vì hình cầu như quả bóng rổ.
  • Bệnh nhân bị cận thị.
  • Bệnh nhân cận thị kèm loạn thị.
  • Lập bản đồ giác mạc, đo địa hình giác mạc.
  • Sử dụng kính hiển vi sinh học để kiểm tra giác mạc. Thông thường, bệnh nhân mắc bệnh giác mạc hình chóp sẽ có nếp nhăn trong giác mạc. Ngoài ra, bác sĩ có thể nhìn thấy một vòng tròn thể hiện sự lắng đọng sắt xung quanh giác mạc.

Địa hình giác mạc của một mắt phải và mắt trái ở bệnh nhân có giác mạc hình chóp. Kích thước và vị trí của phần hình chóp được hiển thị bằng màu đỏ

4. Điều trị giác mạc hình chóp

  • Dùng kính gọng hoặc kính áp tròng mềm: Bệnh nhân mắc bệnh giác mạc hình chóp ở giai đoạn sớm, khi loạn thị giác mạc chưa nhiều thì có thể điều chỉnh bằng kính giống như tật khúc xạ thông thường.
  • Dùng kính áp tròng cứng: Ở giai đoạn nặng hơn, giác mạc bị biến đổi, gồ ghề không đều (loạn thị không đều) nhưng còn trong suốt, kính gọng hay kính tiếp xúc mềm lúc này không có tác dụng. Việc sử dụng kính tiếp xúc cứng sẽ giúp cải thiện thị lực cho bệnh nhân. Tùy vào mức độ, hình thái cụ thể mà bác sĩ có thể kê kính thiết kế với các thông số thay đổi khác nhau; có những thiết kế kính phối hợp cả kính tiếp xúc cứng và mềm để bệnh nhân đạt thị lực tốt nhất.
  • Cross linking là phẫu thuật duy nhất có thể làm chậm tiến triển giác mạc chóp. Bác sĩ sử dụng vitamin B2 nhỏ lên giác mạc và chiếu tia cực tím để tạo ra các liên kết ngang nối các sợi collagen của giác mạc lại với nhau, góp phần làm tăng độ chắc của giác mạc.
  • Khi bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân cần được phẫu thuật đặt vòng trong nhu mô giác mạc để nhìn rõ hơn, hoặc phải ghép giác mạc một phần hoặc toàn bộ giác mạc mới có thể phục hồi thị lực.

Bệnh nhân có bệnh giác mạc hình chóp cần khám mắt định kỳ để theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng, thay đổi các thông số kính nếu cần thiết. Những bệnh nhân dùng kính tiếp xúc cần tuân thủ cách hướng dẫn, vệ sinh và bảo quản kính để an toàn cho mắt, tránh những biến chứng có thể gặp phải trong quá trình sử dụng kính.

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN