Bệnh võng mạc tiểu đường là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường. Nhưng tin vui, là phần lớn người bệnh có thể thuyên giảm nếu được điều trị và theo dõi mắt đúng cách.Do vậy, việc đi khám mắt định kỳ là thực sự cần thiết đối với những người ai bị tiểu đường. Bên cạnh đó, người mắc bệnh tiểu đường cần kiểm soát đường máu, huyết áp và mức cholesterol trong máu là rất quan trọng.
1. THEO DÕI VÀ KHÁM MẮT ĐỊNH KỲ
Khi phát hiện bệnh đái tháo đường tuýp 1, bệnh nhân cần được khám mắt sau 5 năm kể từ khi phát hiện. Nhưng nếu là đái tháo đường tuýp 2 thì người bệnh cần đi khám mắt ngay khi phát hiện bệnh. Đối với bệnh nhân tiểu đường trong giai đoạn thai kỳ, cần khám mắt định kỳ 3 tháng/ lần
Nếu chưa thấy biểu hiện bệnh võng mạc đái tháo đường thì khám mắt định kỳ 6 tháng – 1 năm/ lần
Quy trình khám bệnh võng mạc tiểu đường:
- Đo thị lực
- Khám tổng quát về mắt: đo nhãn áp, khám mi mắt, kết giác mạc, tiền phòng, mống mắt, thủy tinh thể để đánh giá chung chức năng của mắt
- Tra thuốc giãn đồng tử để khám dịch kính, võng mạc
- Chụp hình màu đáy mắt để nhận định các tổn thương giai đoạn sớm
Nếu đã xuất hiện các tổn thương, chụp mạch máu huỳnh quang để phát hiện các tổn thương vi phình mạch, xuất huyết, xuất tiết, thiếu máu, tân mạch rất chính xác. Chụp OCT là một phương pháp cực kỳ hiện đại để đánh giá tình trạng phù hoàng điểm và tổn thương của võng mạc trung tâm. Chụp mạch huỳnh quang và OCT còn để theo dõi diễn tiến của bệnh
2. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ:
Phương pháp điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường tùy thuộc từng giai đoạn của bệnh. Tùy theo giai đoạn bệnh, sẽ có phương pháp điều trị thích hợp như: theo dõi, laser quang đông võng mạc, tiêm nội nhãn thuốc ức chế tăng sinh mạch máu (anti-VEGF), Corticoid chống phù hoàng điểm hoặc phẫu thuật cắt dịch kính.
2.1 Laser quang đông võng mạc
– Giúp phá hủy vùng võng mạc thiếu máu là nơi sản sinh ra yếu tố tăng sinh mạch máu
– Phá hủy các tế bào cảm quang và các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc tiêu thụ, làm giảm bớt kích thích sản sinh các yếu tố tăng sinh tân mạch.
– Tùy theo tổn thương có thể chọn các kỹ thuật laser quang đông như sau: quang đông ổ (focal laser), quang đông lưới (grid laser), quang đông toàn bộ võng mạc (panretinal laser). Độ rộng của quang đông toàn bộ võng mạc tùy thuộc vào độ nặng của bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh
– Sau laser bệnh nhân có thể có cảm giác chói lóa, thị lực giảm, có dấu hiệu chớp sáng, những triệu chứng này tạm thời và sẽ hết đi
– Biến chứng: tổn thương hoàng điểm (phù hoàng điểm, sẹo vùng hố trung tâm..), xuất huyết hắc mạc, ám điểm, xuất huyết dịch kính…
– Bệnh nhân cần phải được tái khám định kỳ, kiểm tra lần đầu 4-8 tuần, sau đó tùy mức độ tổn thương hẹn bệnh nhân khám lại theo dõi sát.
2.2 Tiêm thuốc nội nhãn
Tiêm corticoid hoặc anti-VEGF (Lucentis, Avastin, Pegabtanib) để chống tân mạch và chống phù hoàng điểm
2.3 Phẫu thuật cắt dịch kính
Bác sĩ có thể chỉ định cắt dịch kính cho người bệnh trong những trường hợp sau:
- Xuất huyết dịch kính không tiêu sau 4 tuần.
- Bong võng mạc co kéo xâm nhập hoặc đe doạ hoàng điểm.
- Bong võng mạc co kéo và rách.
- Các chỉ định khác: tăng sinh xơ mạch tiến triển mặc dù đã được laser toàn bộ võng mạc, co kéo hoàng điểm gây giảm thị lực, những mắt có tân mạch mống mắt và đục các môi trường quang học ngăn cản điều trị laser toàn bộ võng mạc, màng trước hoàng điểm.
Tài liệu tham khảo:
https://soyte.hanoi.gov.vn/.../thong-tin-y-te-tren-cac...
http://daithaoduong.kcb.vn/hieu-dung-ve-benh-ly-vong-mac.../
Thông tin tư vấn bởi: BS. Nguyễn Thị Thanh Thủy – Bệnh viện Mắt Sài Gòn Nha Trang