Hậu COVID-19, không ít người than phiền về các hiện tượng đỏ mắt, cộm, đau khi liếc mắt, nhìn mờ, nhạy cảm ánh sáng... Đây chỉ là hiện tượng thoáng qua hay cảnh báo bệnh lý nguy hiểm khác? Và vì sao mắt gặp phải hiện tượng này? Thạc sĩ Bác sĩ Lưu Hồng Ngọc – Trưởng khoa Khám - Bệnh viện Mắt Sài Gòn Hà Nội I sẽ giải đáp cùng bạn đọc trong bài viết ngay dưới đây.
Hơn 1 năm rưỡi sau đại dịch, thống kê cho thấy khoảng 11% người mắc COVID-19 có vấn đề về mắt và có đến 89% là tình trạng viêm kết mạc. Các triệu chứng khác gồm có khô mắt, đỏ mắt, cộm, ngứa, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng...
Một số bệnh tại mắt có thể liên quan tới COVID-19 như viêm thượng củng mạc, các tổn thương trên võng mạc, viêm thị thần kinh. Ngoài ra, một số bệnh nhân than phiền các vấn đề tại mắt như đau khi liếc mắt, giãn đồng tử, song thị (hiện tượng nhìn đôi)...
Bác sĩ Lưu Hồng Ngọc - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đường Láng đang thăm khám cho bệnh nhân
Khoảng 6% người mắc COVID có biểu hiện đầu tiên là tại mắt. Đỏ mắt có thể là dấu hiệu gợi ý của bệnh, đặc biệt khi có yếu tố dịch tễ.
Virus có thể xuất hiện trong nước mắt của bệnh nhân COVID-19, cả khi họ đã hồi phục sau mắc bệnh. Theo một thống kê tại Italy, virus đã được phát hiện trên bề mặt mắt ở 52/91 bệnh nhân COVID-19, thậm chí cả khi xét nghiệm dịch tị hầu âm tính.
Nguyên nhân vì sao?
Bề mặt nhãn cầu chính là bộ phận phơi nhiễm với môi trường có virus nhiều. Virus gây bệnh vẫn tồn tại và sinh sôi ở mắt, thậm chí cả khi xét nghiệm dịch tị hầu âm tính. Mắt có thể tiếp xúc với dịch tiết có chứa mầm bệnh, như giọt bắn từ việc ho, hắt hơi của người nhiễm COVID-19. Hay từ thói quen chạm tay, dụi mắt sau khi sờ vào các bề mặt tiếp xúc với mầm bệnh. Khi đó, virus có thể nhân lên tại mắt.
Nhiễm COVID-19 có thể khiến các vi mạch võng mạc tiến triển bệnh theo chiều hướng xấu đi. Nếu bệnh nhân COVID-19 hoặc hậu COVID-19 có biểu hiện mờ mắt, nên đi khám sớm vì bệnh vi mạch võng mạc rất khó điều trị.
Hình ảnh tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc của một bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19
Ngoài ra, khi mắc covid, người bệnh phải dành thời gian sinh hoạt, làm việc online tại nhà. Việc tiếp xúc thường xuyên với nguồn ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử trong suốt thời gian dài (hơn 8 tiếng/ ngày) cũng có thể gây khô mắt, mỏi mắt, cộm xốn... Do đó, khi mắc COVID-19 hay đã khỏi bệnh, bạn cần cho mắt thư giãn, nghỉ ngơi bằng cách chớp mắt thường xuyên, nhìn vào mảng xanh xung quanh nhà hay áp dụng nguyên tắc 20-20-20: mỗi 20-30 phút làm việc, cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn ra xa khoảng 20 bước chân (7m) trong vòng 20s.
Cách phòng và bảo vệ mắt hậu COVID-19
Để phòng tránh di chứng ở mắt hậu COVID-19, bạn không nên tự ý nhỏ thuốc, tra thuốc, xông hơi. Có thể dùng nước muối sinh lý Nacl 0.9% (loại 10 ml) để nhỏ mắt nhằm rửa trôi virus và các yếu tố gây viêm khỏi bề mặt nhãn cầu. Đồng thời đi khám mắt hậu Covid để phát hiện sớm bất thường và điều trị kịp thời.
Lưu ý, nếu tình trạng đau mắt đỏ, xuất hiện đỏ, cộm, nhức nhiều ngày sau khi đã âm tính tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc. Đó có thể là dấu hiệu chỉ điểm nhiều bệnh lý mắt nghiêm trọng và tình trạng viêm nhiễm khẩn cấp. Bạn cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa mắt ngay để được hướng dẫn, điều trị đúng cách, tránh biến chứng nặng nặng về sau.