Mách bạn: Dấu hiệu phát hiện sớm giác mạc chóp

Mách bạn: Dấu hiệu phát hiện sớm giác mạc chóp

Giác mạc chóp là bệnh lý hiếm gặp ở mắt nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực nếu không được điều trị kịp thời. Vậy bệnh có những dấu hiệu dễ nhận thấy nào không để người bệnh có thể nắm bắt và điều trị từ sớm?

 1. Bệnh giác mạc chóp là gì?

Giác mạc nằm phía trước nhãn cầu có cấu tạo mỏng, trong suốt. Ở người bình thường, giác mạc có hình chỏm cầu - cong đều từ trung tâm ra ngoại vi mắt. Còn ở những người bị giác mạc chóp (Keratoconus), giác mạc phình ra ngoài thành hình dạng giống hình nón, từ đó làm chệch hướng ánh sáng đi vào võng mạc, khiến tầm nhìn bị thay đổi.

2. Những nguyên nhân gây ra giác mạc hình chóp

Căn bệnh này được các bác sĩ nhãn khoa giải thích là do liên kết giữa các sợi collagen trong nhu mô giác mạc không bền vững, chúng không còn khả năng giữ cho giác mạc đúng hình dạng bình thường mà ngày càng biến dạng thành hình nón, hình chóp.

Bên cạnh đó, khi cơ thể không còn đủ chất chống oxy hóa để bảo vệ giác mạc cũng khiến collagen yếu đi, giác mạc bị giãn và biến dạng phồng lên.

Tỷ lệ mắc giác mạc hình chóp là khoảng 1/2000 và thường bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 10 đến 25. Bệnh ít phát triển sau 40 tuổi và cũng thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, các bác sĩ nhãn khoa cho rằng di truyền và môi trường sống cũng là những yếu tố ảnh hưởng ít nhiều đến căn nguyên của bệnh. Điều đó có nghĩa, nếu gia đình bạn có người từng mắc bênh giác mạc chóp thì thế hệ sau cũng có nguy cơ cao mắc bệnh. Bệnh cũng thường xảy ra hơn ở những người mắc bệnh hen suyễn hay eczema...

Giác mạc chóp thường chỉ được phát hiện ra khi người bệnh đi khám ở bệnh viện chuyên khoa mắt uy tín với hệ thống máy móc hiện đại và bác sĩ chuyên môn cao 

Giác mạc chóp là bệnh ở mắt tuy hiếm gặp nhưng lại gây biến chứng nguy hiểm sau nếu không điều trị kịp thời. Những biến chứng đó phải kể đến:

- Độ cận loạn thị tăng nhanh.

- Sẹo giác mạc do giác mạc phồng lên nhanh.

- Giảm thị lực không hồi phục kể cả khi chỉnh chính.

3. Dấu hiệu giác mạc chóp

Muốn phát hiện ra bệnh lý giác mạc chóp thì cần đánh giá đầy đủ các triệu chứng và đặc điểm của bệnh. Cụ thể:

- Giác mạc chóp thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 10 đến 25. Tình trạng bệnh có thể tiến triển chậm trong 10 năm hoặc lâu hơn thế.

- Khai thác tiền sử bệnh nhân thấy thường xuyên thay đổi số kính gọng, độ loạn thị tăng nhanh, giữa các lần đo trong độ tuổi 16-25, thị lực sau khi chỉnh kính không đạt tối đa.

- Kèm với đó là các biểu hiện:

+Suy giảm thị lực nhanh và mắt nhạy cảm với ánh sáng.

+Tình trạng nhìn đôi (song thị), nhìn 1 vật thành 2 khi nhìn bằng một hay cả 2 mắt. +Cảm giác có quầng sáng xung quanh bóng đèn đang bật.

+Ở giai đoạn bệnh nặng hơn, người bệnh chỉ có thể nhìn rõ các vật thể khi chúng ở gần. Nhìn ra xa hơn, sẽ cảm thấy mọi thứ mờ ảo, méo mó.

+Khi giác mạc thay đổi hình dạng từ hình cầu sang hình nón, bề mặt nhẵn sẽ trở nên gợn sóng, được gọi là loạn thị không đều. Ở giai đoạn muộn, giác mạc sẽ bị phù, mờ đục nhiều và có thể để lại sẹo giác mạc.

4. Điều trị giác mạc chóp như thế nào để hiệu quả tối ưu?

Giác mạc chóp là bệnh về mắt tuy tiến triển chậm nhưng hậu quả nghiêm trọng là mất thị lực vĩnh viễn. Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh giác mạc hình chóp cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa về mắt để tiến hành thăm khám và điều trị kịp thời.

Thông qua việc chụp OCT và bản đồ giác mạc, các bác sĩ nhãn khoa có thể theo dõi sự tiến triển của bệnh cũng như có cơ sở đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân ở từng giai đoạn như:

- Đeo kính áp tròng cứng hoặc kính áp tròng mềm.

- Đeo kính áp tròng củng mạc.

- Đặt vòng trong giác mạc.

- Điều trị bằng phương pháp Cross linking.

- Ghép giác mạc khi bệnh ở giai đoạn muộn.

Có nhiều phương pháp điều trị giác mạc chóp, vì thế bác sĩ sẽ căn cứ trên tiến triển của bệnh để tư vấn cho bệnh nhân phương pháp phù hợp

5. Giải đáp thắc mắc: Giác mạc chóp có mổ cận được không?

Mổ cận (phẫu thuật tật khúc xạ) bằng laser có cơ chế chung là thay đổi độ cong của giác mạc (làm mỏng giác mạc) để khắc phục tật khúc xạ. Theo đó, độ khúc xạ càng cao thì giác mạc cần làm mỏng càng nhiều.

Như đã chia sẻ ở trên, giác mạc chóp là bệnh lý liên quan đến giác mạc, cụ thể là làm độ cong của giác mạc bị thay đổi, từ đó khiến độ cận - loạn thay đổi liên tục. Chính vì vậy, với bệnh nhân giác mạc chóp thường không có chỉ định phẫu thuật tật khúc xạ bởi hiệu quả điều trị không cao, tác dụng không dài, đồng thời có thể khiến bệnh giác mạc chóp trở nên nghiêm trọng hơn.

Với những bệnh nhân giác mạc chóp cần ưu tiên điều trị ổn định bệnh để tránh thị lực suy giảm thêm.

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN